"

Quathucpham

Bánh khúc làng Diềm

Bánh khúc làng Diềm chẳng biết có tự bao giờ, chỉ biết rằng, trước đây món bánh này quý lắm, chỉ được làm khi có khách quý đến chơi hay các dịp nhất niên, nhất lệ. Theo các bậc cao niên trong làng kể rằng, món bánh khúc đã có từ lâu đời. Đời này nối tiếp đời kia làm ra những chiếc bánh khúc bình dị mà độc đáo. Tuy không phải là quy định khắt khe như trầu thuốc, song đây chính là nét văn hoá ẩm thực riêng có ở quê hương Quan họ. Nghề làm bánh khúc ở làng Diềm đã trở thành nét đẹp văn hoá truyền thống vào dịp lễ tết, hội làng, mùng một, ngày rằm.


Bánh khúc tròn nhỏ như nắm xôi, từng hạt nếp căng tròn bóng mịn bao xung quanh lớp bột mầu xanh xanh và nhân đỗ vàng rộm. Sở dĩ có tên là bánh khúc là bởi vì khi làm bánh, người ta sẽ dùng rau khúc, thái rối, nấu lên, nhồi cả cái và nước với bột nếp thành khối dẻo rồi cho nhân đậu xanh vào. Lá khúc nhỏ, trên mặt lá xanh bạc như được bôi một lớp phấn trắng.


Lá khúc


Lá khúc tươi hay khô đều có thể dùng làm bánh. Mùa đông, rau khúc hiếm, nên mỗi độ Giêng, là mùa của khúc, lá khúc sẽ được phơi khô, nghiền bột và được để dành để làm bánh trong cả năm. Rau khúc có hai loại: khúc tẻ và khúc nếp. Lá khúc tẻ to hơn khúc nếp, nhưng khi làm bánh, người ta thường chọn lá khúc nếp, bởi lá khúc nếp thơm ngon hơn nhiều. Người làng Diềm khi chọn gạo làm bánh rất cẩn thận: Gạo tẻ phải dẻo thơm, gạo nếp cái hoa vàng. Bột làm bánh theo tỉ lệ 8 gạo nếp và 2 gạo tẻ. Họ đem gạo tẻ ngâm vo sạch và giã nhuyễn với rau khúc để tạo sự kết dính làm cho chiếc bánh khúc xanh rền hấp dẫn. Nhân bánh được chuẩn bị rất tỉ mỉ bởi cách pha chế nhào lộn giữa thịt, đỗ xanh, hạt tiêu hay thịt, mộc nhĩ, hạt tiêu. Khi nhân bánh đã hoà quện, gạo và rau khúc nhuần nhuyễn, họ thực hiện lát mỏng lớp vỏ bao quanh kín nhân bánh rồi xếp vào nồi xôi hấp từ 2-3 giờ.


Bánh khúc làng Diềm có 2 loại: nhân hành và nhân đỗ. Bánh khúc nhân đỗ có vị bùi của đỗ, béo của thịt mỡ và thơm của hạt tiêu. Ba thứ nguyên liệu này được nấu lên, trộn lẫn với nhau làm thành nhân bánh. Bánh khúc nhân hành có khác hơn đôi chút. Hành được dùng làm nhân bánh khúc nhất thiết phải là hành khô, cộng thêm mộc nhĩ, hạt tiêu, răm, thịt ba chỉ băm nhỏ trộn lẫn với nhau. Dù là bánh nhân đỗ hay nhân hành thì vỏ bánh và nhân cũng đều phải nêm một lượng gia vị vừa đủ, bánh mặn làm mất đi vị bùi, béo song nếu nhạt bánh sẽ có mùi ngai ngái. Bánh khúc thường được người dân làng Diềm nặn với 2 hình thức: tròn như bánh rán hoặc hình tai voi, nhưng dù với hình thức nào, vỏ bánh cũng phải dát mỏng mà không để lộ nhân. Không ai luộc bánh khúc bao giờ mà người ta đồ bằng chõ như đồ xôi. Cứ một lượt bánh lại rắc một lượt gạo nếp mỏng đã ngâm mềm vừa đủ để dính đều vào bánh.


Bánh khúc ăn lúc nóng là ngon nhất, có thể thay thế cơm tẻ nhưng người làng Diềm chỉ làm khi khách quý đến chơi nhà và các dịp rằm tháng giêng, lễ hội Đền Vua bà 6 – 2 và Hội Tát giếng 3 – 3 âm lịch. Đó cũng chính là mùa của cây khúc. Thưởng thức bánh khúc khi còn nóng cùng với muối vừng hay muối lạc mới thấy hết được hương vị rất riêng của nó, thứ hương vị tự nhiên của ruộng đồng được kết hợp một cách khéo léo, tài tình gửi trọn trong tấm bánh bé nhỏ.
                                                                       Tinfood sưu tầm

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *