"

Quathucpham

Ca cao Bình Phước

Ca cao Bình Phước

Cacao là cây ưa bóng, dễ trồng, thích hợp trên đất đỏ bazan. Với điều kiện đất đai, thời tiết thích hợp, Dự án Success Alliance – Việt Nam thử nghiệm trồng xen cacao tại huyện Bù Đăng – Bình Phước đã thành công và thu hút hàng ngàn nông dân trong và ngoài tỉnh đến tham quan, học tập kinh nghiệm.

Trong năm 2005 – 2006, có hơn 2.000 hộ tham gia Dự án. Mỗi hộ tham gia dự án được hỗ trợ 200 cây giống cùng các vật tư khác như phân bón, thuốc BVTV. Ngoài ra, nông dân còn được tham gia các lớp tập huấn về kỹ thuật trồng, chăm sóc, hướng dẫn cách thu hoạch và sơ chế sản phẩm từ cây cacao; Dự án cũng đã tổ chức nhiều chuyến tham quan cho nông dân trong tỉnh học tập cách trồng, chăm sóc và sơ chế hạt cacao ở các tỉnh bạn như Bến Tre, Vũng Tàu…

Sau 3 năm thực hiện Dự án, hiện nay diện tích trồng cacao ở Bù Đăng đã lên hơn 1.200 ha, trong đó có trên 600 ha đang cho thu hoạch.

Theo một số nông hộ thì cây cacao là cây dễ trồng, sinh trưởng phát triển nhanh, chăm sóc đúng kỹ thuật chỉ sau 14 – 15 tháng cho trái bói, cây trên 3 năm tuổi có thể cho năng suất bình quân 1 kg hạt. Với giá thị trường hiện nay trên 45.000 đ/kg hạt, như vậy thu nhập trên 1 ha cacao được khoảng 45 triệu/ha/năm, chưa kể nguồn thu từ cây che bóng.

Ông Nguyễn Văn Tất, ấp 7 – Minh Hưng – Bù Đăng cho biết, vườn nhà ông hiện có 1,5 ha với 1.500 câycacao một năm thu được trên 70 triệu đồng, trừ chi phí sản xuất cũng lời 50 triệu/năm.

Theo ông Huỳnh Văn Hiền, khuyến nông viên xã Minh Hưng, để cây cacao cho năng suất cao thì phải chú ý ngay từ khâu chọn giống. Chọn hạt giống to, mập, chồi ghép là cây sạch bệnh, khi đưa dân trồng phải là cây ghép hoàn chỉnh, phát triển tốt mới có chất lượng.

Đánh giá về triển vọng cây cacao, TS. Nguyễn Thị Thanh Mai công tác tại Cục Trồng trọt, cho rằng: Bình Phước là tỉnh có tiềm năng về đất đai, khí hậu thời tiết và con người để phát triển, nhân rộng câycacao. Người dân nơi đây đã có nhiều kinh nghiệm trong việc trồng cây công nghiệp dài ngày, vì vậy có trình độ canh tác tốt. Sau 2 năm thực hiện Dự án, cây cacao phát triển thích nghi với đất Bình Phước.

Vì vậy đây là cây có triển vọng nhân rộng cao. Bình Phước hiện có hàng chục ngàn ha cây ăn trái, hàng trăm ngàn ha điều nếu người dân áp dụng mô hình trồng xen cacao với các cây ăn trái, cây điều sẽ cho lợi nhuận rất lớn. Hơn nữa, đầu ra cho cacao không phải lo, hiện Bù Đăng đã có nhiều điểm thu mua hạt cacao. Với hướng phát triển cacao như hiện nay thì nhiều năm sau sẽ có rất nhiều nông dân Bình Phước giàu lên nhờ thu nhập từ cây cacao.

Hiện nay, cây cacao không chỉ được trồng xen ở Bù Đăng mà đã được nhân rộng trên những vườn điều, cây ăn trái của cả tỉnh. Những mô hình này vừa tiết kiệm được công chăm sóc, phân bón mà lại tăng thu nhập trên một đơn vị diện tích. Dự tính trong năm 2008, Bù Đăng sẽ trồng mới trên 100 hacacao, và từ nay đến 2015, Bình Phước sẽ phát triển khoảng 7.000 ha trồng xen cacao ở 8 huyện, thị xã.

Tuy nhiên, theo đề xuất của Dự án, để cây cacao thực sự phát triển bền vững thì ngành nông nghiệp Bình Phước cần có hướng hoạch định chiến lược phát triển cụ thể như việc đào tạo và duy trì lực lượng cán bộ kỹ thuật, khuyến nông viên; chỉ đạo việc tổ chức sản xuất và cung ứng cây giống tốt cho nông dân; thành lập nhiều câu lạc bộ trồng cacao, xây dựng quy chế quản lý chất lượng hạt cacao; tìm kiếm và liên kết thị trường; kêu gọi đầu tư và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp đang thu mua, chế biến hạt cacao cùng tham gia.

Cacao là cây công nghiệp hứa hẹn nhiều tiềm năng trên thị trường thế giới, hy vọng trong những năm tới cacao sẽ trở thành một trong những cây công nghiệp chủ lực của tỉnh Bình Phước.

 

Thị trường ca cao rộng mở: Cơ hội vàng cho nông dân lựa chọn đầu tư?

Giữa năm 2013, người trồng ca cao ở Bình Phước và các tỉnh có diện tích ca caonói chung đã đốn bỏ hơn 3.000 ha do hiệu quả kinh tế thấp, cây bị bệnh nhiều. Tuy nhiên, theo dự báo thị trường ca cao trong những năm tới sẽ tăng nhanh, trong khi nguồn cung đang giảm mạnh. Hiện giá hạt ca cao tăng vọt từ 3.000 đến 3.500 đồng/kg lên 5.000 đến 5.500 đồng/kg. Đây có phải là cơ hội vàng cho ca cao Việt Nam? Và làm gì để nông dân đầu tư phát triển ca cao?
 
Vì sao nông dân chặt bỏ ca cao?
 
Theo số liệu của Cục trồng trọt, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), năm 1999, diện tích trồng ca cao cả nước là 900 ha, đến nay đã tăng lên 22.110 ha, trong đó 50% đã cho thu hoạch. Diện tích ca cao tập trung nhiều nhất ở tỉnh Bến Tre với khoảng 10.000 ha, còn lại ở các tỉnh Đông Nam bộ, Tây nguyên. Theo số liệu của Ban điều phối Ca cao Việt Nam (VCC), những tháng giữa năm 2013 nông dân ồ ạt chặt bỏ ca cao với tổng diện tích khoảng 3.135 ha, trong đó Bến Tre 1.408 ha, Bình Phước 555,6 ha, Đồng Nai 354 ha, Lâm Đồng 679 ha và Đắk Nông 107 ha.
 
Năm 1999, ngành nông nghiệp Bình Phước tổ chức hội thảo về tiềm năng phát triển ca cao, theo phương thức trồng xen trong vườn điều. Cả tỉnh có khoảng 30.000 ha điều có đủ tiêu chí để xen ca cao nhưng sau 13 năm mới có khoảng 1.000 ha trồng xen tập trung ở các câu lạc bộ ca cao Đức Liễu, Minh Hưng (Bù Đăng) và Tiến Hưng (Đồng Phú), trồng năm 2004-2005. Theo lý giải của nông dân, chặt bỏ ca cao để trồng các cây khác là do giá cả lên xuống bấp bênh, chi phí đầu tư cao, tốn nhiều công chăm sóc. Năm 2013, có thời điểm giá ca cao khô chỉ còn 35 ngàn đồng/kg, nếu trừ chi phí đầu tư, công thu hoạch thì nông dân lỗ nặng. Ngoài ra, do hạn hán kéo dài, không đủ nước tưới cộng thêm nấm bệnh nên năng suất ca cao thấp, trung bình khoảng 1,2 tấn/ha. Nếu so với các loại cây trồng xen canh dưới tán điều như cà phê, tiêu thì giá trị không bằng.
 
Trong thực tế, nhiều năm nay thị trường ca cao luôn sáng sủa, nhưng năm 1999, khi ngành nông nghiệp bắt đầu khuyến cáo nông dân đầu tư thì diện tích trống phù hợp để trồng thuần không còn nhiều. Ở Bến Tre ca cao được trồng xen trong vườn dừa. Riêng ở Đông Nam bộ và Tây nguyên được trồng xen trong vườn điều, cà phê. Ở Bình Phước, từ năm 2003 đến 2011 là thời hoàng kim của cao su nên nông dân đổ xô chặt điều trồng cao su. Hiện nay, giá cao su giảm nhưng hồ tiêu đang ở đỉnh điểm nên nông dân thanh lý điều ở diện tích có nước tưới để trồng tiêu. Ông Phan Văn Đon, Phó giám đốc Sở NN&PTNT cho rằng, ca cao mất mùa, bị bệnh là do nông dân bỏ không chăm sóc vì sức hấp dẫn của giá mủ cao su, hồ tiêu. Còn giá thấp, bấp bênh cũng là thực trạng chung của nông sản Việt Nam.
 
Thị trường rộng mở
 
Khác với nhiều nông sản đang trong tình trạng “khủng hoảng thừa” thì thị trường hạt ca cao đang sáng sủa bởi nghịch lý: Nhu cầu thị trường tăng cao khoảng 5%/năm nhưng sản lượng giảm không chỉ ở Việt Nam mà ở nhiều nước trồng ca cao. Theo dự báo, năm 2014 thế giới sẽ thiếu 120 ngàn tấn hạt ca cao. Hiện giá ca cao đã quay đầu tăng vọt 5.000-5.500 đồng/kg hạt khô lên men và 4.300-4.500 đồng/kg trái tươi. Nếu thị trường cầu lớn hơn cung như dự báo thì giá hạt ca cao sẽ bình ổn ở mức cao trong những năm tiếp theo.
 
Giá ca cao tăng vọt liệu có là cơ hội vàng để nông dân Bình Phước đầu tư trong thời gian tới – Ảnh: Một vườn ca cao xen điều ở huyện Bù Đăng đang cho thu hoạch – Ảnh: N.T
 
Theo khảo sát của Cục trồng trọt, những mô hình ca cao được sản xuất theo tiêu chuẩn của UTZ năng suất tăng khoảng 15%/năm, chất lượng ổn định với bình quân 20-30 tạ hạt khô lên men/ha trồng thuần và trồng xen là 10-15 tạ/ha. Như vậy, nếu giá 5.000 đồng/kg thì 1 ha ca cao trồng xen trong vườn điều nông dân thu được 50-75 triệu đồng/năm, cộng với khoảng 1,5 tấn hạt điều thì sẽ đạt từ 90 triệu đến 110 triệu đồng/ha/năm. Nếu so sánh với các loại cây trồng hiện nay thì ca cao xen trong vườn điều được đầu tư chăm sóc tốt lợi nhuận chỉ đứng sau hồ tiêu.
 
Chiến lược phát triển bền vững
 
Với 50% diện tích thu hoạch, sản lượng ước tính đạt 6.765 tấn hạt khô lên men/năm, Việt Nam bước đầu tham gia xuất khẩu ca cao với 3.000 tấn (2012), chất lượng lên men được khách hàng đánh giá cao. Mới thu hoạch  5-6 năm nhưng các tỉnh phía Nam được đánh giá phù hợp với phát triển ca cao. Tuy nhiên, do đây là cây trồng mới phát triển trong giai đoạn cạnh tranh với nhiều sản phẩm khác nên nông dân chưa mặn mà đầu tư chăm sóc dẫn đến năng suất thấp, chỉ khoảng 40% hạt ca cao của Việt Nam đạt chất lượng xuất khẩu.
 
Ông Phan văn Đon cho biết, Bình Phước được chọn trọng điểm phát triển ca cao, với diện tích khoảng 20-30 ngàn ha đến năm 2020, chủ yếu xen canh trong vườn điều. Hiện Bình Phước đang chờ kinh phí để thực hiện chính sách hỗ trợ nông dân từ giống đến kỹ thuật chăm sóc, ủ lên men… nhằm giữ vững vùng nguyên liệu điều theo quy hoạch.
 
Thị trường ca cao đang rộng mở, có là cơ hội vàng để nông dân chọn lựa đầu tư phát triển tương xứng với tiềm năng? Bộ NN&PTNT đã xây dựng chiến lược phát triển ca cao bền vững, mục tiêu đến năm 2015, Việt Nam sẽ tăng diện tích ca cao lên 33.500 và 50.000 ha (2020) theo hướng bền vững cả về số lượng và chất lượng. Dự án hợp tác tăng cường phát triển ca cao bền vững tại Việt Nam do Bộ NN&PTNT ký kết với Chính phủ Hà Lan sẽ là đòn bẩy để ca cao phát triển. Theo đó, năm 2014 VCC sẽ phối hợp với các tỉnh rà soát đánh giá diện tích ca cao, điều chỉnh quy hoạch đến năm 2020 sát với thực tế và dự báo thị trường trong những năm tới. Theo đó, VCC sẽ cùng Cục trồng trọt đề xuất chính sách hỗ trợ nông dân trồng xen ca cao với một số cây trồng khác, nhằm tăng diện tích. Đồng thời khuyến khích đầu tư nâng cấp, đổi mới công nghệ chế biến, đa dạng hóa sản phẩm, nâng cao chất lượng xây dựng “Thương hiệu ca cao Việt Nam”.
                                                    Tinfood sưu tầm

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *