Được cho là “đông trùng hạ thảo (một loại dược liệu quý của Trung Quốc) của Việt Nam”, sâu chít càng trở thành tâm điểm chú ý khi có khảo cứu khoa học về tác dụng trong hỗ trợ điều trị ung thư, tráng dương được công bố…
Đối với người dân Tây Bắc, sâu chít là niềm tự hào về sản vật đặc biệt của địa phương mình. Anh lễ tân khách sạn Him Lam tên Mẫn cho biết, sâu chít chính là một trong những đặc sản thiên nhiên “có một không hai” ở một số vùng núi phía Bắc như: Lạng Sơn, Điện Biên, Sơn La.
Theo người dân địa phương, sâu chít là một loại thực phẩm sạch và bổ dưỡng. Việc khai thác sâu chít để chế biến thành các món ăn, các loại rượu, vốn là nghề truyền thống của bà con các dân tộc ở miền Tây Bắc.
Đây vốn là loại côn trùng sống trong thân cây chít. Để biết cây nào có sâu chít , người thu hái sẽ lựa chọn những cây có dấu hiệu bệnh, không thể ra hoa (đó chính là cây đã bị ấu trùng ký sinh). Người dân bắt sâu chít bằng cách “chẻ” đôi ngọn chít để moi sâu ra. Những con sâu chít tươi rói có màu trắng sữa, căng mọng sau khi được lấy ra thường được thả trong chậu rượu nhạt. Thứ rượu ấy sẽ giữ cho sâu không bị biến chất.
Ngoài cách sử dụng phổ biến nhất là ngâm rượu uống, sâu chít có thể sao khô, nấu cháo. Số liệu khảo cứu cho thấy loài “đông trùng hạ thảo” có hàm lượng protein chiếm 25-32% trong cơ thể, trong đó có 6 axit amin, còn sâu chít cũng có hàm lượng protein tương đương nhưng thành phần axit amin được xác định lên đến 17/20 loại cần cho cơ thể.
Khác với rượu tắc kè có màu vàng ánh xanh, rượu sâu chít có màu vàng đục với lớp váng dầu rất mỏng. Hương vị của rượu sâu chít không có vị tanh và đậm đà hơn. Điểm đặc biệt của rượu sâu chít là ngâm với rượu San Lùng, hay các loại rượu khác như Mường Khương, Bắc Hà, Mai Hạ… uống nhiều hay ít đều không nhức đầu. Hơn thế nữa, nếu lỡ uống say, khi tỉnh dậy vẫn thấy tinh thần sảng khoái, người khỏe ra sau một giấc ngủ dài.