"

Quathucpham

Bánh đa kế

Bánh đa làng Dĩnh Kế (Bắc Giang) nổi tiếng là đặc sản vùng sông Thương. Chiếc bánh to dầy vàng ruộm, phủ vừng thơm lừng, vị bùi, ngọt, là món quà quê được nhiều người ưa thích.

BanhDaKe_BG_3

Bánh đa Kế có một hương vị rất đặc biệt, không lẫn với các loại bánh đa khác. Nó là một món ăn rất đỗi bình dị, mộc mạc nhưng chứa đựng trong đó biết bao nhiêu tâm tình của con người quê hương Kinh Bắc. Ngày nay bộ mặt Dĩnh Kế đã đổi thay nhiều, một phần cũng nhờ có làng nghề bánh đa truyền thống này.

Nhìn thoáng qua quy trình làm bánh thì thấy thật đơn giản nhưng không phải vậy. Để làm được những chiếc bánh ngon và đẹp mắt cần phải có đầy đủ nguyên liệu: Gạo tẻ, vừng, lạc, khoai lang… Đây đều là những nông sản rất gần gũi, quen thuộc. Nhưng nguyên liệu thôi chưa đủ, để hoàn thiện và cho ra lò những chiếc bánh đa hoàn hảo phải trải qua những công đoạn cực kỳ  phức tạp, đòi hỏi sự cần mẫn và khéo léo của đôi bàn tay.

Trước tiên là xay bột thế nào cho nhuyễn, thường thì người ta xay hai lần đến khi bột mịn như nước mới thôi. Loại gạo để làm bánh là gạo tẻ, để cho hết nhựa. Cơm nguội cũng được đem xay cùng gạo để tạo độ nở, phồng cho bánh khi nướng. Khoai lang thường là loại khoai nghệ tạo nên một màu vàng đẹp mắt, lạc và vừng đem rang dậy mùi thơm.

Sau công đoạn này, người dân làng Kế bắt đầu tráng bánh. “Tráng bánh là việc rất quan trọng. Tráng làm sao cho đều tay và biết nhấc bánh ra đúng lúc. Nếu tráng không đều, khi nướng bánh sẽ không ngon, chỗ mỏng thì bị cháy mà chỗ dày thì chưa giòn”, anh Hùng – một người làm bánh đa làng Kế chia sẻ. Cách tráng giống như tráng bánh cuốn nhưng phải tráng hai lần cho bánh dày dặn. Khi thấy bánh gần được người làm bánh rắc vừng và lạc lên trên hai mặt của chiếc bánh để tăng thêm mùi vị cũng như tính thẩm mỹ cho chiếc bánh. Sau đó cho bánh ra tấm phên để đem phơi. Bánh đa sẽ ngon hơn khi được phơi vào những ngày nắng bởi chiếc bánh sẽ ngậm trọn cái nắng quê, bánh trắng và thơm tho “vị” nắng.

Nướng bánh là khâu cuối cùng, cũng là công đoạn quan trọng nhất trong quy trình để hoàn thành chiếc bánh. Nhìn những cô gái làng Kế cần mẫn quạt bánh giống như những “nghệ nhân”, dù trời có nắng gắt, mồ hôi ướt hai má hồng nhưng đôi tay luôn thoăn thoắt, lật lên, úp xuống làm cho chiếc bánh nở đều, to tròn như chiếc lá sen. Trên mặt bánh có nổi lên những bong bong nhỏ giống như hạt đậu rất hấp dẫn. Khi bánh chín sẽ dậy lên một mùi rất đặc biệt đó là vị thơm, béo của vừng đen, vị bùi bùi của lạc, vị thơm nhè nhẹ của gạo hòa lẫn với khoai lang, vị đậm đà của muối tinh… Khi thưởng thức có thể cảm nhận được hương vị đó cùng với độ giòn tan của bánh. Chính cái hương vị này đã làm say đắm biết bao tấm lòng lữ khách.

Xưa kia bánh đa Kế là món ăn thôn quê, nay bánh xuất hiện cả trên những bàn tiệc sang trọng, những nhà hàng cao cấp của xứ Bắc. Vị bùi của cơm nguội, khoai lang cùng hương vị beo béo của đậu phộng, vừng khiến chiếc bánh giòn thơm quyến rũ. Đặc biệt, bánh đa Kế mà xúc với chim câu băm nhỏ rang riềng thì càng hấp dẫn và đúng điệu. Bánh đa Kế là một trong những sản phẩm làng nghề tiêu biểu được tỉnh Bắc Giang chọn mang đi giới thiệu, triển lãm ở nhiều địa phương trong cả nước.

                                                                                                         Nguồn: Tinfood sưu tầm

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *