"

Quathucpham

Bánh chưng Tranh Khúc

Từ lâu, bánh chưng Tranh Khúc đã trở nên quen thuộc với người dân Thủ đô. Hiện nay, người dân làng Tranh Khúc, xã Duyên Hà, huyện Thanh Trì, Hà Nội còn làm thêm bánh chưng gấc, bánh chưng chay, bánh chưng nhân trứng, thịt gà, lạp xường… để xây dựng thương hiệu cho loại đặc sản này. Những ngày cuối năm, làng Tranh Khúc (xã Duyên Hà, huyện Thanh Trì, Hà Nội) lại nhộn nhịp làm bánh chưng đón Tết. Đây cũng là nguồn cung cấp bánh chưng chủ yếu cho thị trường Hà Nội và các tỉnh lân cận mỗi dịp xuân về Tết đến.


Theo những người dân nơi đây, làm bánh chưng chú ý nhất khâu chọn nguyên liệu. Người làm bánh chưng Tranh Khúc không chỉ cần mẫn, thức khuya dậy sớm mà còn phải tỉ mẩn trong từng công đoạn, từ khâu chọn lá, vo gạo đến thổi đậu, chọn thịt, gói và luộc bánh. Muốn bánh ngon phải chọn nguyên liệu gạo nếp cái hoa vàng của Hải Hậu, Hải Dương. Trước khi gói bắt buộc phải ngâm gạo trong nước 1 giờ, sau khi ngâm xong đến công đoạn trộn muối. Đậu phải chọn loại “rộng” hạt, cà vỏ sau đó đồ chín. Chọn lá dong thì phải chọn lá thật xanh, tươi, được lấy từ các tỉnh: Nghệ An, Thanh Hóa, Hà Giang, Yên Bái, Lào Cai… Lá dong sau khi mang về được chà sạch và rửa đi rửa lại đến 3 lần. Nhà nào làm bánh cũng có từ 1, 2 người chuyên rửa lá. Một trong những công việc quan trọng là tước sống lá, thao tác này giúp bánh không bị cộm và dễ gói hơn. Hiện nay hầu hết các gia đình làm bánh đều thực hiện tước lá bằng dao nhưng xưa kia người ta chỉ tước sống lá bằng miệng. Đây vốn là kỹ thuật từ xa xưa bởi cách tước lá này khiến lá không bị rách và gói nhanh hơn.

Thịt lợn được lấy tại địa phương, chủ yếu là thịt nạc mông, vai nhưng ngon nhất vẫn là thịt ba chỉ. Công việc nắm nhân gồm thịt và đỗ xanh, thịt nạc được đặt vào giữa, để bánh chưng ngậy và ngon thì thịt mỡ không thể thiếu trong mỗi chiếc bánh. Nặn nhân bánh chưng với đậu xanh (đã nấu chín) kẹp với thịt lợn sống để đảm bảo luộc bánh nhanh chín hơn.


Khi gói, người gói phải chặt tay, đúng quy cách, đúng trọng lượng, luộc phải đủ giờ. Mỗi bánh cần 4 chiếc lạt, công đoạn này cũng đòi hỏi sự tỉ mỉ, cẩn thận bởi lạt buộc đẹp mới mang lại thẩm mỹ cao cho chiếc bánh chưng. Bánh chưng được luộc trong nồi hơi hay bếp củi và sau 6 – 10 tiếng bánh sẽ chín Làm bánh chưng tưởng như đơn giản nhưng thực ra đòi hỏi cao về kỹ thuật, chỉ cần một kỹ thuật không đúng như lá không sạch, than nấu kém chất lượng, pha nước không đúng giờ cũng ảnh hưởng ngay đến sản phẩm.

 

 


Hiện nay, nhiều gia đình ký kết với các gian hàng thực phẩm sạch phân phối đến tận tay người tiêu dùng. Để làm được những chiếc bánh chưng này, người dân Tranh Khúc đặc biệt là những người phụ nữ phải vất vả, quên ăn quên ngủ cả tháng trời… Không chỉ vậy, các hộ sản xuất bánh chưng muốn tham gia thương hiệu làng nghề phải tham gia các lớp tập huấn và cam kết sản phẩm đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, cơ sở nào vi phạm sẽ bị đình chỉ sản xuất. Đến nay, những chiếc bánh chưng Tranh Khúc dẻo, thơm ngon không chỉ được người dân Hà Nội ưa chuộng, mà còn được người dân nhiều nơi biết tiếng, góp phần làm phong phú thêm danh sách món ngon đất Hà thành.
                                                                 Tinfood sưu tầm

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *