"

Quathucpham

Tào phớ

Lại một thứ quà Hà Nội nữa nhưng không phải là quà mặn mà là quà ngọt, quà Việt gốc Hoa như “lục tào xá, sa cốc mậy, sủi ìn”. Tào phở là tên gọi theo tiếng Quảng Đông đã Việt Hoá, khi rao thường hay lạc âm chẳng nên tranh cãi là “táo phớ” hay “tào phở” là gì vì không thuộc ngôn ngữ Việt Nam. Giữa mùa đông bỗng đâu văng vẳng tiếng rao “Ai phớ..ớ.. đây! Phớ nóng đ…â…y…”, tiếng rao ấy len lỏi trong cái lạnh nơi thành phố nhộn nhịp đã cho tôi một cảm giác “lạ” về Hà Nội.

Nếu như thường ngày, người ta chỉ thấy khói bụi, ồn ã và chen chúc đến ngột ngạt thì khi nghe tiếng rao bán, hay khi nếm náp vị ngọt mát của món tào phớ nóng lại thấy như hiện về một Hà nội cổ kính thủa xưa – thủa khó khăn và món phớ rất thịnh hành. Ngày nay, dù không còn nghèo khó và tào phớ cũng thay đổi theo “thời” thì người Tràng An vẫn ưa chuộng những nét truyền thống – dân dã trong văn hóa ẩm thực. Trong khí trời rét mướt của mùa đông, người ta thèm hơn cảm giác đầm ấm khi được ngồi bên gánh hàng rong và thưởng thức bát tào phớ nóng thơm ngọt.


Tào phớ (hay còn gọi là tàu phớ, tàu hủ, đậu hoa…) là món ăn “quê” nhưng được “thịnh hành” ở đất Hà Nội cả mùa hè lẫn khi trời đông. Với mùa đông, món tào phớ nóng là sự sáng tạo đặc biệt của những người “thợ” chế biến khéo tay. Tào phớ ở Hà Nội thường được bán rong; hình ảnh người bán hàng gánh một đầu là thùng tào phớ, đầu kia là một chạn nhỏ rong ruổi khắp các con đường, miệng rao ” Ai…phớơơ đây” trở nên quen thuộc tại thành phố này. Tuy nhiên thời gian gần đây gánh hàng thường được thay thế bằng chiếc xe đạp cũng với “thiết kế” riêng để chở được hết đồ dùng.


Tào phớ thường được bắt gặp vào mùa hè, do đây là một đồ ăn “mát, giải nhiệt”. Một đầu quang gánh treo một chiếc chạn nhỏ đủ đựng dăm bảy chiếc bát, với một bình nước đường và một xô nhỏ nước tráng. Đầu kia là thùng đựng tào phớ. Thùng đựng tào phớ thường được làm bằng gỗ ghép đóng đai. Tào phớ đựng trong thùng còn nóng hàng giờ. Người bán hớt từng lát tào phớ vào bát bằng một miếng tôn nhỏ, đồ dùng để hớt xưa thường gặp là một mảnh vỏ trai to, sáng và óng ánh lớp xà cừ, nước đường pha vừa miệng, ướp hoa nhài tươi (thả trực tiếp vào bình đựng). Nước đường ấy chan ngập bát tào phớ. Người ăn có thể húp một hơi, cũng có thể dùng thìa dầm nhẹ tào phớ ra rồi xúc ăn. Mùa hè, có thể thêm đá vụn vào bát ăn cho mát. Sau loại thùng gỗ, đồ hớt tào phớ cũng được thay thế bằng kim loại, tuy nhiên tào phớ vẫn được ưa thích. Người bán tào phớ rong có thể thường là nam giới với tiếng rao khoẻ và vang vọng.


Nếu như người Hà Nội đã quen với bát tào phớ ngọt thơm kèm với đá mài trong không khí nóng nực của mùa hè. Thì khi Đông đến, người ta còn cầu kỳ hơn khi chế biến ra thứ tào phớ nóng thơm ngon vừa phù hợp với thực khách thưởng thức trong cái lạnh miền Bắc, vừa để bán được nhiều hàng hơn. Chế biến tào phớ nóng cũng đơn giản như món lạnh của mùa hè vậy. Từ những công đoạn xay đậu (đậu tương), ép và lọc bã để ra được khối lỏng mềm mịn gọi là óc đậu. Sau khi xắt óc đậu ấy ra bát (thường là dùng vỏ xà cừ để xắt) cho thêm nước đường cùng cánh hoa nhài hoặc hoa bưởi vào để tạo hương thơm.

Điều đặc biệt ở tào phớ nóng là ngoài đường kính trắng thông thường, người ta có thể sử dụng đường đỏ để pha chế. Khi thưởng thức bát tào phớ nóng, ta cảm nhận được thoang thoảng hương thơm của hoa nhài/hoa bưởi, vị ngọt thanh từ đường, man mát mềm mịn của đậu và thêm chút cay cay từ gừng… ăn một miếng sẽ có cảm giác hơi ấm lan tỏa từ từ trong bụng.


Có người tâm sự rằng, khi nhớ về Hà nội người ta nghĩ ngay đến tiếng rao bán tào phớ. Không biết xuất hiện từ khi nào, nhưng ngày nay dù là mùa đông hay mùa hè, tào phớ vẫn được người Hà thành ưa chuộng, là thứ quà truyền thống đầy kỷ niệm và trở thành một trong những món ăn dân dã, quen thuộc của thủ đô.
                                                               Tnfood sưu tầm

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *