"

Quathucpham

mía Triệu Đường

Không rõ từ bao giờ ở xứ Thanh có câu ca lưu truyền: “Mía Triệu Tường với cam Giàng Tiến Vua, Vua tiến Thiên Đàn Nam Giao” Các giai thoại văn hóa và lịch sử khá độc đáo về các thứ đặc sản có nhiều điều lý thú. Nhưng có lẽ hương vị mà nhiều người nhớ mãi đó là cây Mía Tiến Triệu Tường.
mia-trieu-tuong
Từ thị xã công nghiệp Bỉm Sơn đi ngược về phía Tây khoảng năm ki lô mét là vùng đất Triệu Tường, tức vùng đất Gia – Miêu Yên Vỹ thuộc xã Hà Long – huyện Hà Trung, tỉnh Thanh Hóa. Đây là vùng đất được phong của tướng quân Nguyễn Lý, một vị tướng anh hùng khai quốc trong cuộc khởi nghĩa Lam Sơn. Đây cũng là quê gốc của dòng vua nhà Nguyễn hay nhiều danh nhân đất nước như: Nguyễn Trãi, Tống Duy Tân… và đất quê ngoại của vua Lê Hiến Tống (1461-1504). Vùng đất này xưa có nhiều cảnh đẹp non xanh nước biếc, chim trời và thú rừng nhiều và quý được các đạo quân cứu nước của người Anh hùng áo vải Quang Trung hồi thế kỷ thứ XVIII, chọn là điểm cho thế đóng quân liên hoàn vùng đất Tống Sơn.
Cây mía Tiến nổi tiếng là một đặc sản mọc trên hai quả đồi đất đỏ ở Yên Vỹ, Triệu Tường. Đó là đồi Bạng và đồi ông Phụ; diện tích chỉ có 11 mẫu đất Trung Bộ, khoảng 5,7 ha. Có điều làm người ta ngạc nhiên là, cũng giống mía ấy trồng sang đất khác dù ở gần đó, chất mía vẫn khác. Nếu ai đã từng một lần được thưởng thức hương vị cây mía Tiến đất Triệu Tường Yên Vỹ thì sẽ khó quên. Thân mía mềm mà đốt mía, mắt mía cũng mềm, có thể dùng tay cũng bẻ thành từng khẩu ngắn, chứ không phải dùng dao. Bã mía Tiến phơi khô tán mịn, trộn thêm các nguyên liệu như nhựa trám, bột hương bài… làm hương thì nén hương cháy đượm, khói hương thơm ngát, thanh tao.
Cây mía Triệu Tường, Yên Vỹ chỉ cao độ mét rưỡi, vỏ mía có màu gần như vàng chanh, cây mía không to nhưng gốc và ngọn bằng nhau. Lá mỏng và không tự rụng như các loại mía khác, lá mía cũng là một vị thuốc xông cảm cúm rất tốt. Mía Tiến muốn đem ép mật thì cây mía sau khi chặt phải để độ ba ngày mới đủ độ dai, khi nghiền bã khỏi bị vụn. Ngày xưa, khi phải chở vào tận kinh đô Huế để tiến Vua, người ta phải đào bứng nguyên cả cụm, đem vùi vào cái hộc có đất cát ẩm, mấy tháng sau cây mía vẫn giữ được hương vị và chất ngọt như vừa chặt ở ngoài đồi đem về. Nhiều gia đình cũng dùng cách ấy dự trữ mía dùng dần, có khi làm quà quý biếu khách xa vào dịp tháng giêng, tháng hai âm lịch.
Mật mía Tiến trong suốt, vàng óng như loại mật ong tốt, thơm và ngọt không thể lẫn với bất cứ thứ mật mía nào ở các vùng xung quanh. Mật mía Tiến để lâu không chua, nếu đem mật Tiến mà nấu chè nếp, chè đậu, chè sen, chè củ mài… thì thật là tuyệt. Người đi làm về mệt nếu được ăn mía Tiến hay chè bằng mật mía Tiến, thấy người khoẻ ra như vừa uống thang thuốc bổ.
Giờ đây, khách đến vùng quê này vẫn được nghe câu ca về lễ hội “Tháng sáu hội Gai, tháng hai hội Mía”. Gai ở đây chỉ cây dứa gai, còn mía chính là mía Tiến. Vào dịp lễ hội đền Sòng ở vùng Bỉm Sơn, khách thập phương đến lễ hội khi về cũng tìm mua được vài cây mía Tiến vùng Triệu Tường, Yên Vỹ. Mía Tiến đặc sản không chỉ “Tiến” cho vua chúa trong kinh thành, mà nhiều người khắp mọi vùng cũng được thưởng thức.
Trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, một vùng đất mênh mông ở phía Tây, phía Nam, phía Bắc xứ Thanh đã và đang được trồng các giống mía mới, vỏ trắng, thớ dài, nhưng nhiều xơ để cung cấp cho các nhà máy đường Lam Sơn, Nông Cống, Liên doanh Việt Đài, kể cả vùng đất Triệu Tường, Yên Vỹ cũng thế. Có điều, người dân ở đây vẫn tự hào về đặc sản “Mía Tiến” của quê hương, chỉ tiếc, nó không được phát triển nhân ra diện rộng và duy trì thứ mía quý của xứ Thanh đã nổi tiếng từ lâu.
 
Nguồn: Tinfood sưu tầm

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *