Ốc xu núi Bà
Tây Ninh có nhiều “đặc sản” thuộc hàng độc, nổi tiếng bấy nay: bánh canh Trảng Bàng, rượu Bà Đen, muối ớt và cả… cáp treo Bà Đen nữa. Nhưng, đến Tây Ninh mà không thử nhâm nhi dĩa ốc xu núi Bà thì coi như chưa rành… Tây Ninh. Điều lạ là Tây Ninh có nhiều đồi núi, nhưng ốc xu chỉ sống trong khu vực núi Bà.
Tương truyền xưa có cô nàng họ Lý con nhà giàu hay dùng những đồng tiền xu bố thí dân nghèo và làm đánh rơi tiền. Theo thời gian, đồng xu biến thành những chú ốc dẹp mà tròn như… đồng xu.
Để có được dĩa ốc xu luộc sả hay hấp gừng phục vụ thực khách, phải gian nan lắm. Người đi bắt ốc phải dậy từ rất sớm, leo núi tầm ốc xu. Chỉ vào mùa sinh sản hay tiết trời mát mẻ, ốc xu mới đi tìm bạn tình hay rong chơi. Buổi sáng, ốc núi mò ra khỏi hang đi ăn lá rừng, nên đây là thời điểm thích hợp nhất để bắt. Thức ăn của loài ốc này là lá những loại thảo dược mọc hoang trên núi như cây mã tiền, lá vong núi, đặc biệt là loại thuốc quý tên gọi dân gian gọi là lá Nàng Hai. Cây Nàng Hai là một loại cây thuốc nam, từ lâu được dân gian sử dụng để chữa các chứng nhức mỏi, đau khớp, thống phong, còn cây vong núi giúp an thần. Ốc ăn lá cây thuốc nên trong người chúng mang đầy vị thuốc, mùi vị rất ngon và bổ dưỡng. Vì thế nên ốc núi Bà Đen còn được gọi là ốc Nàng Hai.
Thường thì ốc xu núp sâu trong hốc đá hoặc những đống lá mục, phải dùng gậy dài cả thước khều lá mục tầm ốc, thấy ốc rồi thì dùng gậy khều ốc đến gần để lượm. Lý do phải dùng gậy dài bới lá mục là để phòng những con rắn hổ mang nằm khoanh, ẩn mình trong những đống lá mục ấm nóng tấn công. Chính vì ốc xu hiếm và đi săn ốc xu nguy hiểm như vậy nên giá ốc xu khá đắt.
Thường dân địa phương hay luộc ốc xu với sả hoặc hấp gừng, cố ý giữ hương vị đặc trưng của ốc núi. Thịt ốc xu ăn nghe dai dai, giòn giòn, nhưng phải nhai thật chậm mới cảm nhận hết hương vị riêng có của nó. Ăn ốc xu không thể ăn đua và càng không thể ăn lấy no. Thú nhất là lể một con ốc, chấm muối tiêu chanh, nhón thêm một gốc sả hay cắn tí gừng non, nhai vài lá rau răm, đưa đẩy với tí rượu nếp chính hãng Trảng Bàng sẽ thấy ốc xu đúng là đặc sản vùng núi này. Thú hơn khi bạn bè quay quần, vừa vui thú ẩm thực đặc sản Bà Đen vừa nghe kể chuyện săn ốc không giống ai này.
Kỳ công hơn, ốc núi bắt về cho ăn cơm dừa khô nạo nhuyễn, để đến khi đem luộc chấm muối tiêu chanh, thịt ốc núi này sẽ béo giòn, rất lạ miệng nhón thêm một gốc sả hay cắn tí gừng non, nhai vài lá rau răm, đưa đẩy với tí rượu nếp chính hãng Trảng Bàng sẽ thấy ốc xu đúng là đặc sản vùng núi này. Vị ốc ngọt thanh, có chút hương thuốc quý, ăn vào cảm giác khó quên.
Điều kiện môi trường ngày càng khắc nghiệt cộng với đặc tính đẻ ít (mỗi năm ốc mẹ chỉ sinh vài chục ốc con), ốc xu còn rất ít. Mô hình nuôi ốc thương phẩm đã có ở Tây Ninh, nhưng chỉ thành công với các loại ốc khác, còn ốc xu thì vẫn đang tiếp tục thử nghiệm vì chúng chỉ thích hợp và phát triển trong môi trường tự nhiên. Do đó, nếu về Tây Ninh làm thực khách, bạn có thể trở thành người sành ăn khi hỏi nhỏ chủ quán món ốc xu và nhớ đừng nhăn mặt “ốc sao mà mắc quá vậy?”
Tinfood sưu tầm