Thành phố Hồ Chí Minh là nơi hội ngộ nhiều món ăn, đặc sản nổi tiếng nhưng ở đây chỉ có một loại đặc sản duy nhất là trầu cau Bà Điểm, Hóc Môn. Nổi tiếng về nghề trồng trầu cau ở TP.Hồ Chí Minh là Mười tám thôn Vườn Trầu (Bà Điểm – Hóc Môn) có từ trước giải phóng. Vườn trầu cau là niềm tự hào của thành phố nhưng nó đang dần mai một theo năm tháng.
Trong thời Trịnh – Nguyễn phân tranh, do không thể cam chịu sự thống trị hà khắc của các triều đại phong kiến, một số cư dân miền Bắc và miền Trung đã hưởng ứng phong trào di dân tìm đến vùng đất phương Nam để sinh cơ lập nghiệp. Vào những năm 1698 – 1731, những lưu dân đầu tiên đến đây đã phải đối diện với một vùng đất khắc nghiệt và nhiều thú dữ, nhưng bằng quyết tâm họ đã tích cực khai phá rừng rậm và bãi hoang để trồng tỉa và chăn nuôi, lập ra 6 thôn ấp đầu tiên, đó là các ấp Tân Thới Nhứt, Tân Thới Nhì, Tân Thới Trung, Tân Phú, Thuận Kiều và Xuân Thới Tây. Đến đầu thế kỷ 19, nơi đây đã thành một vùng đất trù phú và phát triển thành 18 thôn với các mảnh vườn quanh năm xanh tốt, đặc biệt người dân chuyên canh trầu cau nên đã có tên gọi chung là “Mười tám thôn vườn trầu”.
Trầu, cau không chỉ đơn thuần là món ăn tiêu khiển, mà còn là một nét văn hóa độc đáo của dân tộc ta. Miếng trầu làm đầu câu chuyện trong những ngày lễ hội, là nền cho những cuộc hôn nhân đơm hoa. Trầu Bà Điểm nổi tiếng với hương vị cay, thơm đặc biệt, không đâu so sánh nổi. Ngoài nguồn lợi kinh tế, cây trầu còn được xem là loại cây cảnh tao nhã mang nét đẹp truyền thống . Trồng trầu còn để cho đẹp, cho vui, vì trồng trầu là truyền thống là niềm tự hào của người dân Bà Điểm, thời chống giặc những vườn trầu xanh đã che chở cán bộ cách mạng.
Vườn trầu
Để trồng trầu đến khi thu hái là cả một quá trình khó nhọc. Vừa phải trông trời trông đất trông mây, nhưng cũng phải năng nhổ cỏ, tưới nước thường xuyên để cây trầu không bị héo. Cây cau thì dễ đậu quả hơn nhưng để cau ra nhiều buồng thì lại phải thực hiện theo nhiều bước công phu khác. Mỗi năm, vào mùa mưa là mùa thu hoạch cau, rộ nhất là từ tháng 6 đến tháng 9. Thông thường một cây cau có thể cho từ 2 – 6 buồng/lần thu hoạch. Cau càng già thì càng cho ít quả, quả cau cũng nhỏ và không đẹp như cau cho quả mùa đầu tiên (tỷ lệ từ 4 – 6 buồng/lần thu hoạch). Còn lá trầu thì cứ 10 ngày hái 1 lần và giá khoảng 25.000-30.000đ/kg.
Chợ trầu cau trên đường Lê Quang Sung
Sở dĩ nghề trầu cau vẫn tồn tại là bởi vì trong lễ cưới truyền thống của người Việt lúc nào cũng cần có buồng cau, xấp trầu trong số những lễ vật của nhà trai mang đến nhà gái. Đối với các lễ cúng, một số lễ hội truyền thống khác cũng không thể thiếu được trầu cau trong mâm cúng cầu hạnh phúc, may mắn.
Trầu cau là lễ vật không thể thiếu trong đám cưới của người Việt
Ở Bà Điểm bây giờ thanh niên không còn tiếp nối nghề trồng trầu cau của cha ông nữa. Lý do là đất đai ở Bà Điểm bây giờ bán có giá, các gia đình đua nhau chuyển đổi nghề nghiệp, bán đất hoặc xin lên thổ cư để xây phòng trọ cho thuê. Bây giờ chỉ còn những ông bà già còn lưu luyến với trầu cau và giữ nét truyền thống của cha ông để lại mới còn gắn bó với nghề này.