Dừa sáp còn gọi là dừa đặc ruột, dừa kem, vì cơm dày, mềm, dẻo như sáp. Bọng dừa thường ít hoặc không có nước. Cơm do nước dừa từ từ đặc lại rồi phình ra tạo thành một khối xôm xốp, vị béo và ngọt. Khi dừa bắt đầu khô, phần cơm chiếm tỷ lệ từ 70 đến 90%. Phần còn lại là nước sền sệt hoặc lỏng, mùi thơm dìu dịu và ngọt như nước dừa thường.
Trái dừa sáp
Dừa sáp là đặc sản của quê hương Trà Vinh, nổi tiếng nhất là tại huyện Cầu Kè. Tương truyền cách nay khoảng 70 năm có một nhà sư người Khmer ở Trà Vinh sang Campuchia tu hành, khi về mang theo giống dừa này trồng tại huyện Cầu Kè và phát triển cho đến ngày nay. Xã Tân Hòa, huyện Cầu Kè, được mệnh danh là “Làng triệu phú dừa sáp” với hơn 100 xã viên hợp tác xã.
Giá trị thương phẩm của loại dừa này rất cao. Bình quân giá một trái dừa sáp bằng 70 trái dừa thường, trung bình từ 120.000 đồng đến 200.000 đồng tùy chất lượng và trái lớn nhỏ. Theo các bậc lão nông Cầu Kè, sở dĩ dừa sáp quý hiếm là vì rất kén đất và khó trồng. Cùng là loại dừa sáp nhưng có trái cho sáp, có quả không. Hơn nữa, cùng một buồng (quầy dừa) nhưng không phải trái nào cũng có sáp mà tỷ lệ cho sáp chỉ chiếm khoảng 20-40%.
Về cách ăn dừa sáp, hiện có nhiều kiểu cách khác nhau. Thông thường nhất là dùng muỗng nạo phần cơm dừa để ăn tươi tại chỗ. Cơm dừa trắng trong, deo dẻo, mềm như sáp, mùi vị thơm, lạ miệng, ngọt và béo. Kiểu thứ hai nhờ cách biến tấu nên rất thơm ngon và lạ miệng. Trước hết dùng muỗng nạo hết cái dừa (sáp) cho vào đĩa, thêm đường, sữa đặc và đá bào hoặc cho vào tủ lạnh trước khi ăn. Cách thưởng thức món này cũng giống như bơ, đu đủ ướp lạnh nhưng mùi vị đặc trưng hơn. Hương dừa hòa quyện với mùi sữa sẽ tạo thành một cảm giác ngây ngất, béo, mát lạnh và tươi ngon, không lẫn vào đâu được với bất cứ loại trái cây nào.
Nếu muốn hấp dẫn hơn, có thể cho tất cả hỗn hợp dừa – đường – sữa vào máy xay sinh tố sẽ có một món giải khát tuyệt vời trong mùa nóng