Nói đến ẩm thực Tây Nguyên không thể bỏ qua món cơm lam dẻo mềm quyện trong cái mùi ngai ngái của ống nứa non truyền thống của người dân ở đây. Tiền thân của món ăn này xuất phát từ những chuyến đi rừng dài ngày của người đồng bào, không có xoong nồi, người ta đã sáng tạo bằng cách cho gạo vào trong những ống nứa và làm chín bằng cách nướng. Tuy mộc mạc và đơn giản, nhưng với hương vị thơm ngon, lạ miệng, cơm lam đã dần trở thành món đặc sản để níu chân du khách mỗi khi đến Tây Nguyên.
Nghe qua món ăn có vẻ đơn giản nhưng để có được những ống cơm lam chín đều, dẻo mềm đòi hỏi không ít công phu. Gạo dùng để nấu cơm lam phải là loại gạo nếp nương còn thơm hương lúa mới. Theo người dân Tây Nguyên, ngon nhất là chọn loại “khẩu tan” (nếp tan), loại nếp này khi nấu chín cho hạt cơm dẻo, mềm cùng hương thơm thoang thoảng rất hấp dẫn. Gạo vo sạch, rắc ít muối và trộn đều. Ống nứa dùng để nấu cơm phải là loại nứa ngô, còn non, chặt lấy ngang mắt nứa. Rửa sạch, cho gạo và nước vào, dùng lá chuối làm nùi lèn chặt đầu ống nứa.
Những chiếc ống nứa sau khi đã nạp đủ gạo và nước được vùi vào trong bếp than hồng. Khi những ống nứa chuyển sang màu vàng cháy xém, cùng hương thơm thoang thoảng là cơm đã chín. Chẻ bỏ lớp cháy đen bên ngoài ống cơm thật khéo léo cho đến khi bao bọc phần ruột cơm chỉ là một lớp nứa mỏng. Xắt mỗi ống ra thành năm hay bảy khúc. Cơm Lam được dọn ra ăn cùng với thịt gà hay thịt lợn rừng nướng (những thứ thịt này cũng được nướng trong ống tre). Tuy nhiên, cơm Lam ngon nhất khi ăn với muối vừng (mè).
Buổi tối giữa núi rừng Tây Nguyên mà có một ống cơm lam, một chén muối vừng cũng đủ để du khách nếm trọn được hương vị núi rừng thấm đẫm trong từng hạt cơm chín mềm.
Cơm lam muối vừng