"

Quathucpham

Chè Shan tuyết Cao bồ – đặc sản vùng cực Bắc

Nằm ở biên giới địa đầu cực Bắc của Tổ quốc, Hà Giang có diện tích chè nằm trong tốp đầu của cả nước, chất lượng chè của Hà Giang cũng được đánh giá cao. Hà Giang cũng chính là một trong những tỉnh có vùng chè Shan lâu đời nhất nước ta. Ngay từ những năm đầu thế kỷ 20, người Pháp đã tiến hành điều tra chè ở Hà Giang và đặc biệt chú ý những cây chè cổ thụ vùng cao. Đó là thứ chè Shan lá to, búp và lá non có trắng như tuyết, sinh trưởng khoẻ, chịu ẩm, chịu lạnh, năng suất cao và chất lượng tốt.


Cây chè Shan tuyết cổ thụ

Chè Shan Tuyết là giống chè quý, gọi là chè Tuyết vì cây chè mọc tự nhiên ở vùng núi cao (khoảng 1000m trở lên), ấp ủ tinh hoa của đất trời đợi đến mùa Xuân nảy lộc, đâm chồi, vào cuối tháng hai âm lịch hằng năm, cây chè này mới cho thu búp. Mỗi năm người dân thường chỉ thu hái búp chè Shan tuyết bốn lứa, nhưng lứa búp ngon nhất là lứa đầu xuân và cuối thu. Người ta thường đốn chè vào vụ Đông, đồng thời với việc phát cỏ, vun gốc… Sang xuân, vào thời điểm cuối tháng 3, đầu tháng 4, người ta bắt đầu thu hái chè vụ đầu tiên (đây là thời điểm chè cho chất lượng cao nhất). Tiếp tục thu hái vụ chè thứ 2 vào tháng 5 và tháng 6 (là vụ có năng suất cao nhất trong năm). Vụ 3 vào tháng 8 và vụ 4 vào tháng 10, tháng 11.

Sáng sớm sương trôi bồng bềnh như những làn mây trắng, người dân địa phương mới đi hái búp chè. Khi hái búp về, người ta luộc chè trong thời gian mấy phút trên chiếc chảo gang rồi vớt ra liếp nứa hay mây đan, sau đó lấy tay xoa vò nhẹ nhàng cho búp chè xoăn lại. Lúc chè giảm nóng làm tiếp công đoạn ủ sao cho xuất hiện một lớp men lên vừa độ thì mang ra hong gió cho khô rồi để vào quẩy tấu hay sọt tre, sọt nứa đặt hong trên gác bếp với khoảng thời gian một tháng mới mang chè ra pha uống.


Thu hoạch chè

Vì là chè quý nên cách dùng cũng rất đặc biệt: đầu tiên phải tráng ấm chén nóng trước khi pha, sau đó cho một lượng từ 5 đến 7g chè vào ấm và rót nước sôi vào (không dùng nước phích đã để nguội vài tiếng). Hãm chè 2 đến 3 phút thì rót ra chén ta sẽ được chén chè thơm ngon và bổ dưỡng. (nếu đậm thì châm thêm nước sôi vào chén hay nhạt thì rót thêm nước chè ở trong ấm đã được ngấm thêm, tuỳ chỉnh theo khẩu vị đậm nhạt của người uống). Không ngâm nước trong ấm lâu, chỉ để lại bã chè ở trong ấm thôi, khi nào muốn uống tiếp thì lại châm thêm nước, có như vậy thì hương vị của chén đầu cũng như chén sau chất lượng đều như nhau. Trong chè Shan tuyết cổ thụ núi cao còn có các chất rất quý như chất chống ung thư , giải độc nhẹ, tăng tuổi thọ và kéo dài tuổi xuân… các chất đó tan rất nhanh khi chúng ta rót nước sôi vào chè, chính vì vậy quý khách đừng tráng chè như chè vùng thấp có chăm bón, làm như vậy thì vô tình đã bỏ đi các chất quý đó. Chè Shan Tuyết rất kén chọn ấm chén, phải chọn loại ấm sứ nung thật già lửa, không được dính mùi bất cứ loại chè nào khác, cũng không được dính cặn, phải thật sạch và tráng nước sôi. Nếu có nước giếng đá ong hoặc nước mưa đun sôi để pha chè Shan Tuyết thì mới đạt tới đỉnh cao của nghệ thuật thưởng trà.

Có thể nói chè Shan Hà Giang là nguồn nguyên liệu sạch. Bởi vì, cho đến tận bây giờ, ở các vùng chè Shan lâu đời của Hà Giang, đồng bào vẫn không sử dụng phân hoá học, thuốc bảo vệ thực vật mà chủ yếu là khai thác tự nhiên. Những năm gần đây, cây chè đã và đang trở thành cây trồng chính, là cây mũi nhọn trong xóa đói giảm nghèo ở Hà Giang. Cây chè đã góp phần nâng cao thu nhập cho hàng ngàn đồng bào dân tộc thiểu số vùng chè từng bước vươn lên.


Chè khô đóng gói

Một điều khá thú vị nữa đó là: trong quan niệm của người dân bản địa, việc chế biến chè đã có sự hội tụ cả tinh tuý của đất, nước và hơi ấm của bếp lửa trong nhà nên chè uống không chỉ thấy vị đậm, hương thơm, mà còn là chất bổ dưỡng cho sức khoẻ con người!

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *