Cách làm Bánh Dẻo Trung ThuNguyên liệu: (Cho 10- 12 cái bánh)1) Vỏ bánh: – 600grs bột bánh dẻo loại đặc biệt (bột bánh dẻo loại ngon được làm bằng nếp trên sàng, rang chín rồi xay mịn như phấn thoa mặt) – 500grs đường loại trắng tinh thượng hạng. – 1 thìa canh nước hoa bưởi. – 450 ml nước. 2) Nhân bánh: có thể chia làm 2 loại nhân
|
*Nhân thập cẩm -200grs đậu xanh cà. – 200grs đường cát. – 100grs mứt bí xắt vuông nhỏ như hạt lựu. (có bán sẵn ở hàng phụ liệu làm bánh) – 100grs hạt dưa bóc vỏ. (có bán sẵn) – 100grs mứt sen trần. (có bán sẵn) *Nhân đậu xanh trứng – 300grs đậu xanh cà. – 300grs đường. – 12 trứng muối. – 1/2 chén rượu trắng. – 1 nhánh gừng nhỏ. – 12 cái hộp nhựa trong để chuyên đựng bánh dẻo. Cách làm: Bạn nấu nước đường từ ngày hôm trước để đến ngày hôm sau mới bắt đầu làm.Cứ 500grs đường trắng nấu với 450ml nước cho sôi đều lên và nhắc xuống đổ vào lọ thủy tinh. *Chuẩn bị nhân thập cẩm Đậu ngâm 1 đêm, đãi vỏ và đem nấu với một ít sâm sấp nước, nấu thật khéo sao cho đậu nhừ và chín bằng hơi nóng nhiều hơn là bằng nước thì đậu sẽ dẻo, ráo, không nên dùng loại đậu đã đãi vỏ sẵn sẽ không còn mùi thơm.Khi đậu đã chín bạn bắc nồi đậu xuống, dùng muỗng cán dài đánh nhuyễn đậu lúc còn nóng, bạn cho đường vào đánh tiếp (100grs đậu xanh sống cần 90grs đường). Sau đó bạn bắc nồi đậu lên bếp lửa nho nhỏ, đảo nồi đậu luôn tay bằng đũa cả, cho tới khi thấy nặng tay, đậu ráo và đứng ngọn thì cho chút vanille và nhắc xuống, lúc này đậu đã có một mầu vàng sẫm tự nhiên rất đẹp, bạn đợi cho đậu nguội hẳn rồi mới làm tiếp. – Hạt dưa đem sàng sẩy sạch rồi cho vào nồi rang vàng. – Mứt sen xắt làm tư mỗi hạt. – Nếu bạn thích làm thêm hạt điều thì tách đôi hạt điều lau bụi ở giữa rồi xắt nhỏ tùy thích. Cho tất cả mứt bí, hạt sen, hạt điều, hạt dưa vào nồi đậu xanh trộn đều các loại, lấy cân chia mỗi phần nhân khoảng 80grs vo tròn. *Chuẩn bị nhân đậu xanh trứng – Đậu xanh cũng làm như cách trên. – Gừng đem giã vắt lấy nước trộn với rượu trắng, đập 12 trứng muối, lấy lòng đỏ đem ngâm vào nước rượu gừng chừng 10′ sau đó vớt ra đem hấp cách thủy cho lòng đỏ chín. Khi đậu và trứng muối đã nguội hằn thì lấy cân chia mỗi phần khoảng 6 đến 70grs đậu, cho lòng đỏ trứng vào giữa và vo tròn từng viên nhân. *Trộn bột, gói nhân: Nước đường trong veo bạn đã nấu từ ngày hôm trước, để thau nhựa lên cân, chế vào thau 90grs nước đường, cho vào 1/3 thìa cafe nước hoa bưởi, bạn đừng cho nước hoa bưởi nhiều quá sẽ gây nồng hắc, chỉ cho thoảng nhẹ mùi hoa bưởi là vừa. Bạn cân sẵn bột vào chén, mỗi chén 70grs, để rây lên phía trên thau nước đường, đổ bột vào rây lắc nhẹ cho bột xuống hết dưới thau, dùng cây trộn bột khuấy đều cho bột và nước đường quyện dẻo lại. Bàn cán bánh bạn đã chuẩn bị sẵn, rây lót bàn một khoảng bột áo, lấy đồ vét bột cho khối bột ra bàn chỗ bột áo, rắc lên mặt thêm một chút bột để chày cán bột không bị dính, bạn cán nhanh tay, gấp miếng bột lại rồi cho thật đều, cuối cùng bạn cán miếng bột dày khoảng 3 ly, cắt đôi miếng bột, mỗi miếng bạn cho vào giữa 1 viên nhân, giáp mí lại vo tròn và tiếp tục trộn bột rồi gói nhân cho đến hết nước đường. *Ra bánh: – Khuôn rây nhẹ một lớp bột mỏng đều, cho viên bột vào giữa khuôn, phần giáp mí để lên trên, dùng tay ấn mạnh viên bột xuống khuôn để có hoa văn sắc cạnh trên mặt bánh, ấn đều các góc để bánh được đứng và có cạnh đẹp. Chuẩn bị một mâm Inox sạch, úp khuôn bánh xuống mâm, lần lượt gỡ khuôn ra, tiếp tục in bánh khác cho đến hết. Nếu khuôn có chỗ bị dính bột, bị sát phải xử lý ngay bằng cách bóc sạch chỗ bột bị dính và trước mỗi lần cho nhân vào in thì đều rây nhẹ một lớp bột mỏng, bạn nhớ nếu rây nhiều bột quá bánh sẽ không trong mà các hoa văn của bánh cũng không sắc nét vì bột đã che lấp. Làm xong bạn để bánh trong mâm sau 24 tiếng cho bánh trở trong dần, sau đó đem xếp vào hộp và dùng trong vòng 3 tuần. Yêu cầu kỹ thuật : Bánh có màu trắng trong, hoa văn sắc nét, vỏ bánh ăn dai, dẻo, nhân ráo, có mùi thơm đặc trưng và nhẹ nhàng. Mỗi dịp Lễ Trung Thu, Bánh Dẻo thông thường thưởng thức kèm chung với Bánh Nướng Trung Thu. Chúc bạn thành công mỹ mãn để cùng người thân đón ánh trăng rằm trung thu một cách thú vị và hạnh phúc nhất !
Sen
được trồng ở nhiều nơi trong nước ta để ăn và dùng làm thuốc. Hái sen vào mùa thu, các tháng 7, 8, 9.
Công dụng tuyệt vời của sen
Công dụng
Bông sen, lá, củ, hạt sen… đều dễ dàng chế biến thành những món ăn không chỉ ngon miệng mà còn là vị thuốc.
– Lá sen phơi khô, thái nhuyễn dùng nấu cháo với đường cát, có tác dụng thanh nhiệt, trị cảm sốt, say nắng, giúp hạ huyết áp, giảm cholesterol máu. Dịch tiết từ lá sen có thể điều trị hội chứng rối loạn lipid máu, giúp máu lưu thông, tăng cường sức khỏe.
– Củ sen chứa nhiều protein và vitamin C, giúp tuần hoàn máu, giảm nhiệt, tăng cường chức năng tim mạch và dạ dày, làm giảm các vết thâm tím do tụ máu dưới da.
– Hạt sen có tác dụng kích thích ăn ngon, hấp thụ tốt các chất dinh dưỡng, dưỡng thần, tăng khí huyết, giúp ngủ ngon, phục hồi sức khỏe.
– Tim sen có vị đắng, tính hàn, công dụng thanh tâm, hạ huyết áp, cầm máu… dùng để chữa các chứng bệnh như đầu choáng mắt hoa, mất ngủ hay hồi hộp đánh trống ngực, nhịp tim nhanh, tâm phế mãn, thổ huyết, cải thiện tình trạng thiếu máu cơ tim nhờ khả năng làm giãn thành mạch máu, giảm lượng tiêu thụ ô xy của cơ tim và cải thiện lưu lượng tuần hoàn động mạch vành. Ngày dùng 4-10 gr tim sen khô đem hãm nước sôi trị mất ngủ rất tốt.
– Với bệnh lý thiểu dưỡng cơ tim (còn gọi là thiểu năng mạch vành) – thường gặp trong bệnh lý vữa xơ động mạch. Bệnh thường gặp ở người cao tuổi và những người có rối loạn nhóm mỡ trong máu. Với kinh nghiệm dân gian, việc dùng bông sen và bông trang trắng với đường phèn cho người thiểu dưỡng cơ tim, bằng cách: bông sen, bông trang trắng mỗi thứ 10 gr hái về rửa thật nhẹ tay, cùng 2 gr đường phèn với một ít nước sạch cho vào tô để trong nồi cơm vừa cạn nước. Lấy ra dùng sau bữa cơm trưa và tối.